Trường Trung cấp Nghề và Đào tạo cán bộ Hợp tác xã miền Nam

https://svct.edu.vn


Trợ giúp hợp tác xã tiếp cận nguồn lực chuyển đổi số

Ðể gia tăng lợi thế cạnh tranh thị trường, nhiều hợp tác xã (HTX) ở TP Cần Thơ đã đẩy mạnh ứng dụng số, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Song trong bối cảnh kỷ nguyên số phát triển mạnh mẽ, các HTX rất cần trợ lực từ các ngành chức năng trong việc hỗ trợ HTX tiếp cận các nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị... phục vụ yêu cầu chuyển đổi số trong giai đoạn mới.

HTX dịch vụ nông nghiệp Thần Nông, huyện Vĩnh Thạnh đầu tư kho trữ lúa, máy móc hiện đại, phục vụ nhu cầu bảo quản lúa cho nông dân sau thu hoạch.

HTX dịch vụ nông nghiệp Thần Nông, huyện Vĩnh Thạnh đầu tư kho trữ lúa, máy móc hiện đại, phục vụ nhu cầu bảo quản lúa cho nông dân sau thu hoạch.

Ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Xác định chuyển đổi số là đòn bẩy giúp các HTX tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, Liên minh HTX thành phố đã phối hợp với MobiFone khu vực 9 hỗ trợ cho các HTX ứng dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử, khai báo thuế qua mạng… đảm bảo đúng theo quy định. Cùng với đó, Liên minh HTX thành phố đã phối hợp với các sở, ngành hữu quan thành phố hỗ trợ cho 59 HTX, hộ sản xuất, doanh nghiệp tham gia trao đổi thông tin, mua bán hàng hóa qua nhóm Zalo HTX Cần Thơ; hỗ trợ các HTX có sản phẩm nông sản an toàn, đạt chứng nhận VietGAP hay đạt chứng nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tham gia quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ qua các sàn giao dịch thương mại điện tử như Posmart.vn, Voso, chonongsancantho.vn... Từ đó, giúp cho nhiều HTX tiếp cận và ứng dụng được các giải pháp kinh doanh số, từng bước thích ứng yêu cầu thị trường trong bối cảnh mới.

TP Cần Thơ có nhiều HTX kiểu mới đã trang bị máy tính bàn, laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng có kết nối mạng internet, có khả năng cập nhật phần mềm quản lý dữ liệu. Trong đó có hơn 33 HTX sử dụng website để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng như kết nối và phát triển thị trường... theo xu thế mới. Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ - du lịch Ðiểm Hẹn, quận Cái Răng, cho biết: Ðể thích ứng với xu thế kinh doanh số, HTX đã tăng cường quảng bá thương hiệu, sản phẩm dịch vụ của HTX qua các nền tảng như website, mạng xã hội Zalo, Facebook… đến các đối tác, khách hàng. Và sau 2 năm đưa vào sử dụng website:diemhenchonoicairang.com, hiện hình ảnh và thương hiệu của HTX Ðiểm Hẹn ngày càng được nhiều du khách biết đến. Theo ông Dũng, bình quân mỗi tháng, có hơn 1.600 lượt truy cập vào website của HTX và lượng khách đặt lịch đến với HTX qua môi trường mạng tăng hơn 30% so với trước. Qua đó, cho thấy việc ứng dụng nền tảng số để cập nhật các sản phẩm, dịch vụ mới đã giúp HTX Ðiểm Hẹn gia tăng hiệu quả kết nối với khách hàng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động thường xuyên của HTX.

Một trong những HTX nông nghiệp kiểu mới linh động ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả quản lý điều hành cũng như sản xuất, phải kể đến HTX dịch vụ nông nghiệp Thần Nông, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh. Anh Trương Văn Bá, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thần Nông, cho biết: Ðể hướng tới mục tiêu làm nông hiện đại, năm 2021 HTX đã trang bị 3 chiếc máy bay không người lái phục vụ nhu cầu phun thuốc bảo vệ thực vật cho cánh đồng hơn 500ha của HTX; xây dựng kho trữ lúa trên 1.000 tấn và hệ thống lò sấy có công suất sấy trên 80 tấn/mẻ, phục vụ tối ưu nhu cầu bảo quản, nâng cao chất lượng và giá trị lúa hàng hóa cho thành viên. Không chỉ dừng lại đó, HTX còn trang bị hệ thống máy tính để bàn, ứng dụng các phần mềm quản lý điều hành, phục vụ nhu cầu khai báo báo cáo thuế, thống kê sản lượng lúa hàng hóa đầu vào và đầu ra… Cùng với việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý và sản xuất, HTX còn chú trọng hướng dẫn nông dân trong HTX áp dụng tốt các biện pháp “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”… vào quy trình canh tác lúa. Nhờ ứng dụng đồng bộ các biện pháp làm nông hiện đại, nên chi phí sản xuất của nông dân trong HTX tiết giảm trên 30% so với nông dân bên ngoài. Ðiều quan trọng hơn là lúa giống hay lúa hàng hóa của HTX đều được các đối tác, thương lái thu mua với giá cao hơn bên ngoài từ 500-700 đồng/kg, giúp 10 thành viên và 100 nông dân vào HTX gia tăng thu nhập so với trồng lúa ở bên ngoài.

Theo ông Nguyễn Ðức Phương, hiện TP Cần Thơ có nhiều HTX đã chú trọng đến việc xây dựng những bộ nhận diện số như chữ ký số để khai báo thuế; xây dựng website hay tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử... Tuy nhiên, chuyển đổi số ở các HTX còn nhiều trở ngại, như nhân sự ở nhiều HTX chậm thay đổi và chưa tiếp cận được các kỹ năng số; thiếu vốn đầu tư trang thiết bị, công nghệ nên không thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh trong xu thế số. Ðể chuyển đổi số ở các HTX nhanh và hiệu quả, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh công tác tập huấn, hỗ trợ các HTX nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong công tác quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh; đồng thời, huy động các nguồn lực để hỗ trợ HTX ứng dụng hạ tầng công nghệ, máy móc thế hệ mới để thực hiện chuyển đổi số; triển khai các chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao về làm việc trong các HTX có quy mô thành viên đông; kết hợp tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm của HTX trên sàn thương mại điện tử Alibaba, Shopee, Lazada, Vnpost, Voso… từng bước giúp các HTX chuyển đổi phương thức kinh doanh theo hướng hiện đại, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo báo Cần Thơ Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây